Sức khỏe răng miệng và bệnh phổi

  • 9/9/2021 00:00
Tin tức cập nhật

Răng và nướu đôi khi có thể đóng vai trò trong việc kiểm soát bệnh phổi của bạn. Sâu răng và bệnh nướu một phần là do nhiễm khuẩn. Sự nhiễm trùng này có thể lây lan vi khuẩn đến phổi. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị bệnh phổi có thể có tác động tiêu cực đến răng hoặc nướu, như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm đổi màu hoặc mất men răng. Tài liệu này đánh giá tại sao giữ sức khỏe răng miệng tốt là điều quan trọng ở những người mắc bệnh phổi.

Các vấn đề nha khoa có thể ảnh hưởng đến các bệnh phổi như thế nào?

Sâu răng và viêm nướu (nhiễm trùng nướu) là do vi trùng (vi khuẩn). Răng và nướu là nguồn dự trữ cho vi trùng có thể đi xuống và gây hại cho phổi. Vi khuẩn sống trong mảng bám răng, một lớp màng hình thành trên răng. Các vi khuẩn sẽ tiếp tục phát triển và nhân lên. Bạn có thể ngăn chặn điều này bằng cách loại bỏ mảng bám nhờ chải răng kỹ lưỡng và dùng chỉ nha khoa. Một số vi khuẩn có thể được hít vào phổi qua những giọt nước bọt nhỏ. Phổi khỏe mạnh có hệ thống bảo vệ để đối phó với những “cuộc xâm lược” này. Phổi bị tổn thương lại không thể tự bảo vệ, làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc làm cho các bệnh lý đang có sẵn ở phổi trở nên tồi tệ hơn.

Bệnh nướu răng cũng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm mạn tính trong các bệnh phổi như hen phế quản và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Viêm trong đường thở là một yếu tố dẫn đến các triệu chứng và tổn thương phổi thường xuyên hơn. Nướu bị nhiễm trùng và bị viêm là một “tín hiệu báo nguy” cho các cơ quan còn lại của cơ thể. Do đó viêm này cũng có thể dẫn đến viêm nhiều hơn trong phổi.

Răng giả - có ảnh hưởng đến sức khỏe phổi không ?

Trên thực tế, răng giả có thể là một vấn đề. Vi khuẩn sẽ tích tụ trên răng giả nếu bạn không tháo ra và ngâm chúng trong dung dịch làm sạch khi đi ngủ. Các vi khuẩn sau đó có thể được hít vào phổi. Răng giả thường không tốt như răng tự nhiên khi nhai nên bạn có thể có nhiều nguy cơ bị nghẹn và sặc vào đường thở.

Liệu thuốc hoặc phương pháp điều trị được sử dụng cho điều trị các bệnh lý về phổi có thể gây ra vấn đề cho răng của bạn hay không?

Một số loại thuốc được sử dụng với bệnh phổi có thể gây tác dụng phụ cho răng. Nhiều loại thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản dạng hít có thể tạo ra “chứng khô miệng”. Chứng khô miệng có thể làm bạn dễ dàng bị sâu răng và bệnh nướu vì nước bọt trong miệng giúp bảo vệ răng khỏi vi khuẩn. Nhai kẹo cao su không đường hoặc mút kẹo không đường có thể giúp bạn tiết nhiều nước bọt hơn. Bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm nước bọt nhân tạo như Biotene™. Liệu pháp oxy hoặc thông khí áp lực dương (PAP) không được làm ẩm cũng có thể gây khô miệng. Sử dụng máy tạo độ ẩm kèm oxy và các thiết bị PAP (CPAP hoặc biPAP) có thể đem lại hữu ích.

Bệnh tưa miệng (nấm miệng) là một bệnh nhiễm nấm (nấm men) trong miệng có thể được gây ra bởi các loại thuốc hít như corticosteroid. Tất cả chúng ta đều có nhiều vi khuẩn sống trong miệng (hệ vi khuẩn chí bình thường). Nấm Candida thông thường có thể sống trong miệng, nhưng hệ vi khuẩn chí khác trong miệng và hệ thống miễn dịch khỏe mạnh giúp kiểm soát chúng. Một số loại thuốc có thể phá vỡ sự cân bằng bình thường đó, cho phép nấm phát triển và lan rộng. Các mảng trắng phát triển trên lưỡi, má và cổ họng trong bệnh tưa miệng. Mặc dù chúng thường không đau, nhưng lại có thể bị viêm loét, chảy máu và gây cảm giác nóng rát. Bệnh tưa miệng được điều trị bằng nystatin hoặc các loại thuốc chống nấm khác. Bạn có thể giảm nguy cơ bệnh tưa miệng khi sử dụng thuốc: Sử dụng dụng cụ hít với buồng đệm để lấy thêm thuốc vào phổi và ít bám vào răng của bạn. Bạn nên súc miệng hoặc đánh răng sau mỗi lần sử dụng dụng cụ hít…

Làm thế nào để có thể tránh các vấn đề về phổi từ bệnh răng miệng hoặc nướu?

Vệ sinh răng miệng hàng ngày có thể giúp răng và phổi của bạn tránh bệnh tật. Bạn cần phải đối phó với vi khuẩn trên răng và nướu trước khi chúng có thể lây lan vào phổi.

Sâu răng và bệnh nướu răng có thể được ngăn ngừa bằng cách loại bỏ mảng bám nhờ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng hàng ngày. Bạn phải duy trì thói quen này, vì mảng bám vi khuẩn bắt đầu tích tụ trở lại trong vòng vài giờ sau khi bị loại bỏ.

  • Bàn chải đánh răng có lông mềm có thể loại bỏ mảng bám trên ba bề mặt của mỗi chiếc răng: mặt ngoài, mặt cắn và mặt trong.
  • Chỉ nha khoa hoặc một chất thay thế chỉ nha khoa, chẳng hạn như OpalpixTM, là cần thiết để loại bỏ mảng bám trên hai mặt bên. Các mặt bên của răng là nơi sâu răng và nhiễm trùng nướu có thể gây hại nhất.
  • Loại bỏ mảng bám trước khi đi ngủ rất quan trọng vì tình trạng khô miệng thúc đẩy sâu răng có thể xảy ra trong khi ngủ.
  • Bạn cần chải kỹ và nhẹ nhàng dọc theo đường viền nướu của răng để loại bỏ mảng bám. Mảng bám này khó nhìn thấy ở rãnh giữa răng và nướu. Nếu bạn không loại bỏ mảng bám, rãnh sẽ sâu hơn và bạn có thể bị tổn thương nướu và thậm chí cả xương hỗ trợ. Nếu xương bị ăn mòn, răng sẽ bắt đầu trở nên lỏng lẻo. Đây được gọi là bệnh nha chu.
  • Cao răng là lớp trầm tích cát/sạn có thể hình thành khi mảng bám mềm không được loại bỏ. Đó là một dấu hiệu của vệ sinh răng miệng kém. Cao răng kích thích và làm cho nướu bị viêm nhiều hơn. Không giống như mảng bám, nó không thể bị đánh bật bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa, nhưng thay vào đó, cao răng cần được loại bỏ bởi một nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh. Cần vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh khỏi cao răng. Cao răng có nhiều khả năng phát triển trên các bề mặt khó tiếp cận như mặt sau và mặt bên của răng cửa dưới và mặt ngoài của răng sau hàm trên. Đặc biệt chú ý đến việc làm sạch ở những vị trí đó.
  • Kem đánh răng có chứa flo được khuyên dùng vì flo giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách “làm củng cố” răng. Nếu bạn là người dễ bị sâu răng, nha sĩ cũng có thể đề nghị dùng nước súc miệng hoặc gel có chứa flo.
  • Một số nhãn hiệu kem đánh răng, như Colgate Total™, cũng chứa các thành phần kháng khuẩn. Bạn cũng có thể sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn, chẳng hạn như nước có chứa chlorhexidine.

  Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và thường xuyên có thể là bước đi dài giúp ngăn ngừa sâu răng và các bệnh về nướu. Tuy nhiên, bạn cũng nên đi khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị mọi vấn đề sớm nhất.

Nên tư vấn các Nha sĩ về những vấn đề gì?

  Yêu cầu nha sĩ của bạn giúp bạn lập một kế hoạch phòng ngừa dựa trên các vấn đề sức khỏe y tế và nha khoa của riêng bạn. Kế hoạch này có thể bao gồm:

  • Làm thế nào để thường xuyên kiểm tra và làm sạch răng,
  • Liệu flo bổ sung sẽ hữu ích hơn hay không?
  • Có nên sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn hay không?
  • Làm thế nào để điều trị nhiễm trùng tưa miệng (nếu có)?
  • Làm thế nào để đối phó với các vấn đề khô miệng?

  Cả bạn và nha sĩ đều không muốn cơn ho xuất hiện với dụng cụ nha khoa sắc nhọn trong miệng. Cố gắng sắp xếp lịch khám răng khi bạn không ho nhiều hoặc có vấn đề về hô hấp. Hãy cho nha sĩ và điều dưỡng phong khám biết những cách có thể giúp bạn tránh những căng thẳng hoặc vấn đề gặp phải trong quá trình thăm khám điều trị. Ví dụ, nếu bạn dễ thở hơn khi ngồi dậy nhiều hơn, hãy yêu cầu ghế nha không được ngả hoàn toàn. Tìm ra một bộ tín hiệu tay để sử dụng khi miệng của bạn đầy để cho họ biết rằng bạn cần nghỉ ngơi. Và có dụng cụ hít cứu hộ của bạn trong tay, chỉ trong trường hợp bạn cần sử dụng nó trong khi khám.

  Tác giả: Larry Coffee, DDS, Marianna Sockrider MD, DrPH

  Reviewer: Jean-Marie Bruzzese, PhD

Các bước hành động:

  • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Nói chuyện với nha sĩ về cách ngăn ngừa các vấn đề răng miệng từ bất kỳ loại thuốc bạn đang dùng.
  • Gặp nha sĩ kịp thời nếu bạn gặp vấn đề với răng hoặc nướu.
  • Tránh hút thuốc.

Nguồn:

American Thoracic Society • www.thoracic.org/patients

U.S. Health Resources and Services Administration

Directory of Federally Qualified Health Centers • https://findahealthcenter.hrsa.gov/

Dental Lifeline Network

• https://dentallifeline.org/beyond-teeth/pulmonarydiseases

Colgate Oral Care

How Oral Bacteria Affect Your Lungs

• https://www.colgate.com/en-us/oral-health/conditions/respiratory-conditions

Dentistry Today

The Relationship Between Periodontal Diseases and Respiratory

Diseases • http://www.dentistrytoday.com/periodontics/1608

American Academy of Periodontology

Healthy Gums May Lead To Healthy Lungs

• https://www.perio.org/consumer/healthy-lungs

Infectious Diseases Society of America

Geriatric Oral Health and Pneumonia Risk

• https://academic.oup.com/cid/article/40/12/1807/314357

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dịch từ (Source): PATIENT EDUCATION | INFORMATION SERIES – American Thoracic Society

Translator: BS. Nguyễn Đông Dương

Reviewer: BS. Phạm Ngọc Hà

Editor: PGS. TS. Chu Thị Hạnh – Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội.