Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một tình trạng bệnh lý đe dọa tính mạng trong đó phổi bị viêm nặng. Viêm toàn bộ phổi khiến các mạch máu nhỏ rò rỉ dịch và túi khí (phế nang) bị xẹp hoặc chứa đầy dịch, ngăn cản phổi hoạt động bình thường. Bệnh nhân ARDS gặp khó khăn trong việc trao đổi khí: lấy không đủ oxy vào máu và loại bỏ được ít khí carbon dioxide (CO2), vì vậy họ phải được cung cấp thêm oxy và thường sẽ cần máy thông khí để thở. Khoảng 40% số người mắc ARDS chết mặc dù được điều trị tích cực.
Những ai có nguy cơ mắc ARDS?
Ước tính ARDS ảnh hưởng đến khoảng 150.000 người Mỹ mỗi năm. Mặc dù ARDS thường ảnh hưởng đến những người đang điều trị một căn bệnh nghiêm trọng khác, nhưng nó có thể xảy ra trong nhiều tình huống. Một người có thể mắc ARDS ngay cả khi người đó không bị bệnh phổi hoặc có vấn đề về phổi trong tiền sử.
Điều gì gây ra ARDS?
ARDS là một tình trạng tiến triển nặng của nhiều bệnh lý khác nhau. Nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có thể gây ra ARDS. Nguyên nhân trực tiếp bao gồm: viêm phổi, hít phải dịch dạ dày, hít phải khói thuốc lá hoặc khói có hại và chấn thương ở ngực gây ra dập phổi. Nguyên nhân gián tiếp bao gồm: nhiễm khuẩn nặng và lan rộng trong cơ thể (nhiễm khuẩn huyết), tổn thương nghiêm trọng đối với cơ thể gây ra tụt huyết áp, chảy máu cần truyền máu và viêm tụy.
Các triệu chứng của ARDS là gì?
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: khó thở, ho (thường có đờm màu trắng hoặc hồng), mệt mỏi, sốt hoặc đau bụng (trong viêm tụy).
ARDS được chẩn đoán như thế nào?
Có một số xét nghiệm mà các bác sĩ có thể làm để xem một người có ARDS hay không, bao gồm chụp X-quang ngực, xét nghiệm máu và kiểm tra máu hoặc đờm (đàm) để xác định xem có nhiễm trùng hay không.
Có thể khó chẩn đoán ARDS ở những người có bệnh lý nền với triệu chứng tương tự. Viêm phổi có thể cho thấy nhiều triệu chứng giống như ARDS và có thể tiến triển thành ARDS (Xem tờ thông tin ATS về Viêm phổi tại www.thoracic.org/patients).
ARDS được điều trị như thế nào?
Hiện tại, không có điều trị đặc hiệu cho ARDS. Điều trị bao gồm hai mục tiêu: 1) điều trị bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến tổn thương phổi và 2) hỗ trợ hô hấp cho người bệnh (thường là bằng máy thông khí) cho đến khi phổi lành. Hầu hết những người bị ARDS được điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU hoặc CCU) của bệnh viện.
Các liệu pháp thường được sử dụng cho ARDS bao gồm:
ICU là gì và tôi có thể mong đợi gì ở đây ?
Các đơn vị điều trị tích cực (intensive care unit - ICU) là các khu vực trong bệnh viện nơi các bệnh nhân bị bệnh nặng nhất được chăm sóc bởi một nhóm nhân viên y tế được đào tạo đặc biệt. Nhóm nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhà trị liệu hô hấp, chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu, dược sĩ, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và giáo sĩ (chaplains). Nhóm ICU phối hợp chặt chẽ để cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất có thể. Bệnh nhân trong ICU thường được kết nối với nhiều loại máy móc, máy theo dõi, ống thở… và có rất nhiều thiết bị khác nữa, mỗi thiết bị làm nhiệm vụ của mình để giúp người bệnh phục hồi.
Những biến chứng nào có thể xảy ra với ARDS?
ARDS có gây tử vong không?
ARDS là một vấn đề y khoa nghiêm trọng, đôi khi vấn đề tử vong cũng không thể nói trước được. Một số bệnh nhân phục hồi trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi những người khác có thể không phục hồi trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Một số bệnh nhân không có biến chứng gì cả và những người khác lại nảy sinh nhiều biến chứng. Một số người bị ARDS tử vong nhanh chóng, trong khi những người khác tử vong sau thời gian bị bệnh kéo dài. Sự thăng trầm của tình trạng bệnh lý nghiêm trọng này có vẻ giống như một “chiếc tàu lượn cảm xúc” đối với bệnh nhân, gia đình và bạn bè. Song, có nhiều người sống sót. Điều quan trọng là gia đình và bạn bè vẫn hy vọng và tìm kiếm sự hướng dẫn về cách họ có thể làm bệnh tiến triển tốt hơn. Điều quan trọng nữa là các thành viên trong gia đình phải tự chăm sóc bản thân để tránh quá mệt mỏi hoặc kiệt sức. Nhận tư vấn từ nhân viên y tế để hiểu những gì đang xảy ra và những gì có thể được mong đợi hàng ngày có thể hữu ích. Sau khi ra viện, những người ARDS sống sót có thể cần trợ giúp trong khi hồi phục tại nhà mặc dù số lượng trợ giúp cần thiết sẽ khác nhau. Họ có thể cần oxy (tạm thời hoặc vĩnh viễn) hoặc vật lý trị liệu hoặc liệu pháp lao động (occupational therapy). Họ cũng có thể tiếp tục gặp các vấn đề sau, tạm thời hoặc vĩnh viễn: khó thở, ho, đờm từ phổi, khàn giọng, thiếu năng lượng và mất sức bền, yếu cơ, lo lắng, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD - post-traumatic stress disorder).
Một người đang hồi phục từ ARDS sẽ cần tái khám định kỳ với chuyên gia y tế của họ, người sẽ theo dõi sự cải thiện của anh ấy/cô ấy và kiểm tra chức năng phổi của anh ấy/cô ấy một cách thường xuyên. Chuyên gia y tế cũng có thể giới thiệu người này đến một chuyên gia về phổi hoặc chương trình phục hồi chức năng phổi để giúp anh ta lấy lại sức mạnh và sức bền (Xem tờ thông tin ATS về Phục hồi chức năng phổi tại www.thoracic.org/patients).
Tác giả: Martin Tobin, MD; Constantine Manthous, MD
Nhà phê bình: Catherine Chen, MD, Marianna Sockrider, MD, DrPH
Các bước hành động:
Nguồn:
ARDS Foundation: Facts about ARDS www.ardsusa.org/ptintfacts.htm
ARDS Support Center: Understanding ARDS www.ards.org/learnaboutards/
NHLBI: ARDS www.nhlbi.gov/health/dci/Diseases/Ards/
Thông tin này là một dịch vụ cộng đồng của Hội lồng ngực Hoa Kỳ (ATS).
Nội dung chỉ dành cho mục đích giáo dục, không nên được sử dụng như một sự thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế.
----
Dịch từ (Source): PATIENT EDUCATION | INFORMATION SERIES – American Thoracic Society
Translator: BS Nguyễn Đông Dương
Reviewer: BS Phạm Ngọc Hà
Editor: PGS. TS. Chu Thị Hạnh (Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội)