Hen phế quản và thai kỳ: Hãy kiểm soát triệu chứng của bạn

  • 9/9/2021 00:00
Tin tức cập nhật

BSNT. Thân Ngọc Lan

Hen phế quản là một bệnh phổi mạn tính đặc trưng bởi các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Các cơn khó thở lặp đi lặp lại, nhiều cơn khó thở nặng có thể nguy hại đến tính mạng nếu không được điều trị đúng.  Khi bạn mang thai, hen suyễn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Hãy tìm hiểu những gì mà bạn cần biết về hen và thai kỳ.

1. Tại sao cần phải quan tâm đến hen phế quản trong thai kỳ?

Hen phế quản ở phụ nữ có thai đang dần trở thành một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Tỷ lệ mắc hen ở phụ nữ có thai ở Mỹ sau năm 1994 khoảng 3-8%, ở Anh khoảng 8% phụ nữ mang thai mắc hen phế quản. Nếu bạn được điều trị hiệu quả, tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt hen phế quản trong thai kỳ thì hầu như rất ít hoặc không có khả năng xảy ra các biến chứng.

Tuy nhiên, hen nặng hoặc hen kiểm soát kém trong thai kỳ có thể gây ra tác động xấu đến cả mẹ và thai nhi: Các nguy cơ ở người mẹ như tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, chảy máu âm đạo, tăng tỷ lệ sinh mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu, đa ối, ối vỡ sớm... Các nguy cơ đối với thai nhi bao gồm chậm phát triển thai, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch), sinh non. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, tính mạng của thai nhi có thể bị đe dọa.

Hiện tại, kiểm soát hen ở phụ nữ mang thai vẫn còn rất nhiều vấn đề, khoảng 65% phụ nữ có thai kiểm soát hen kém trong quá trình mang thai, 64.4% dùng thuốc không đúng kỹ thuật, chỉ có 38% người bệnh hiểu được sự khác biệt giữa thuốc làm giảm triệu chứng (thuốc cắt cơn) và thuốc kiểm soát hen (thuốc dự phòng hen).

2. Thai nghén có làm tình trạng hen phế quản nặng hơn hay không?

Mức độ nặng của hen được đánh giá dựa trên bậc điều trị cần để kiểm soát các triệu chứng và các đợt cấp (các đợt nặng lên), bao gồm hen nhẹ, hen trung bình và hen nặng. Khi mang thai, 1/3 trường hợp hen sẽ nặng hơn, 1/3 trường hợp hen nhẹ hơn và 1/3 trường hợp hen sẽ không thay đổi so với trước khi có thai. Các bằng chứng cho thấy mức độ nặng của hen trong thai kỳ liên quan với mức độ nặng của hen trước khi mang thai. Các triệu chứng dường như nặng lên ở những người bệnh hen nặng và những người bệnh không tuân thủ điều trị ngay cả ở hen nhẹ. Những trường hợp bệnh trở nặng hơn hay xảy ra vào tháng thứ 6, 7 của thai kỳ và thường nhẹ dần vào những tuần lễ cuối và cơn hen cấp hiếm khi xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Một số phụ nữ, các triệu chứng của hen có thể nặng lên ngay từ thời kỳ đầu mang thai do họ ngừng dùng các thuốc điều trị hen sau khi mang thai. Bất kỳ thay đổi nào với thói quen dùng thuốc hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của hen. Hen sẽ nặng lên nhanh chóng nếu không tuân thủ điều trị.

3. Sử dụng các thuốc điều trị hen trong thai kỳ có an toàn không?

Bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng trong thời kỳ mang thai đều có thể tiềm ẩn những rủi ro. Một số lo ngại đã được đưa ra về việc sử dụng glucocorticoid đường uống hoặc tiêm trong thời kỳ mang thai. Chúng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sứt môi ở trẻ sơ sinh, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nhẹ cân và các vấn đề của tuyến thượng thận. Tuy vậy, hầu hết các thuốc điều trị hen đều có thể được sử dụng một cách an toàn trong thai kỳ, bác sỹ của bạn sẽ lựa chọn thuốc thích hợp cho bạn.

Nguy cơ kiểm soát hen kém, đợt cấp hen và những hệ lụy do chúng mang lại trong quá trình mang thai có nguy cơ cao hơn nhiều so với nguy cơ (có thể hoặc không có) do việc dùng các thuốc điều trị hen. Nếu bạn khó thở, thai nhi có thể sẽ bị thiếu oxy gây ra các bệnh lý nguy hiểm ví dụ như bệnh màng trong ở phổi của em bé. Kiểm soát hen tốt, toàn diện ở phụ nữ mang thai có thể làm giảm tác động có hại của sự thay đổi các triệu chứng và đợt cấp hen phế quản lên phụ nữ có thai và thai nhi.

Nếu bạn cần sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của hen trong thai kỳ, các bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc an toàn nhất với liều thuốc phù hợp nhất với mức độ nặng của bệnh. Hãy sử dụng các thuốc đúng theo đơn được kê. Không tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng của thuốc. Phụ thuộc vào loại thuốc mà bạn sử dụng và các triệu chứng của bạn, các bác sĩ có thể theo dõi mức độ kiểm soát hen của bạn trong những lần khám  định kỳ. Thông thường, bạn nên kiểm tra, đánh giá tình trạng hen hàng tháng, nếu có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc đi kiểm tra lại ngay.

4. Tôi cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Nếu bạn bị hen suyễn, hãy lên lịch hẹn khám trước với bác sĩ chuyên khoa sản và các chuyên gia hô hấp - người sẽ kiểm tra, theo dõi cho bạn trong suốt cả thai kỳ. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nặng và mức độ kiểm soát hen của bạn và có thể đưa ra những thay đổi điều trị mà bạn cần thực hiện trước khi mang thai. Bởi vì các triệu chứng của hen có thể nặng lên trong thai kỳ nên tình trạng của bạn cần được theo dõi chặt chẽ bởi nhiều chuyên khoa.

5. Tôi cần làm gì để tránh các biến chứng?

Chăm sóc bản thân tốt là cách tốt nhất để chăm sóc cho em bé của bạn.

Kiểm tra sức khỏe bản thân và thai nhi thường xuyên theo hẹn: Hãy đi khám định kỳ theo hẹn trong suốt thai kỳ. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay vấn đề quan tâm nào, hãy trao đổi trực tiếp với các bác sĩ của bạn.

Sử dụng các thuốc đúng theo đơn được kê: Nếu bạn có băn khoăn gì về các thuốc mà bạn sử dụng, hãy hỏi bác sĩ của bạn, không tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi liều thuốc.

Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm các triệu chứng của hen nặng lên, và tiếp xúc với khói thuốc lá trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề bất lợi về sức khỏe cho cả bạn và thai nhi.

Tránh và kiểm soát các yếu tố kích thích: Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như bụi nhà, lông chó mèo, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh…

Điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nếu có: Trào ngược dạ dày thực quản có thể làm các triệu chứng của hen nặng lên. Nếu bạn bị GERD, một số biện pháp có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bạn như nằm cao đầu, chia nhỏ các bữa ăn, chờ ít nhất 3 giờ sau khi ăn mới nằm và tránh các loại thực phẩm có thể gây ợ nóng như các loại đồ ăn chua, cay, cà phê, nước chè đặc…Nếu các triệu chứng của bạn vẫn không kiểm soát được, hãy đến khám các chuyên gia tiêu hóa để được kiểm tra, đánh giá và điều trị.   

Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo: Hãy chắc chắn rằng bạn biết các dấu hiệu và triệu chứng sớm nếu tình trạng hen của bạn xấu đi, ví dụ như ho, nặng ngực, khó thở và khò khè. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về các biện pháp điều trị tại nhà và khi nào cần phải đi khám ngay.

6. Tôi cần chú ý gì trong quá trình chuyển dạ và sinh con?

Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ không bị cơn hen cấp trong quá trình chuyển dạ và sinh con. Nếu bạn đang sử dụng các thuốc điều trị hen, hãy tiếp tục sử dụng trong quá trình chuyển dạ và sinh.

7. Tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ được không?

Nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến khích đối với phụ nữ mắc hen, ngay cả khi bạn đang dùng các thuốc điều trị hen.

8. Liệu rằng con tôi có bị hen không?

Có rất nhiều yếu tố đã được biết làm tăng nguy cơ mắc hen, trong đó bao gồm có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc hen, có mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai. Hãy nói với bác sĩ của bé bất kỳ băn khoăn nào của bạn về sức khỏe của bé để được tư vấn.

Cần phải nhớ rằng nguy cơ cho mẹ và bé là do hen chứ không phải do các thuốc điều trị hen.