Viêm phổi là gì? Làm thế nào để dự phòng viêm phổi?

  • 28/2/2024 11:23
Người bệnh

ThS.BSNT. Lã Quý Hương
Khoa Hô Hấp - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là một nhiễm trùng ở một hoặc cả hai bên phổi gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng hoặc 1 số nguyên nhân khác trong đó viêm phổi do vi khuẩn là dạng phổ biến và nguy hiểm nhất. Trong viêm phổi các phế nang chứa đầy dịch viêm hoặc mủ.

Có khoảng hơn 30 nguyên nhân khác nhau gây ra viêm phổi. Các dạng viêm phổi chủ yếu bao gồm:

  • Viêm phổi do vi khuẩn. Dạng này gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn. Nguyên nhân phổ biến nhất là phế cầu (Streptococcus pneumoniae). Bệnh thường xảy ra khi cơ thể bị suy yếu vì nhiều nguyên nhân, như bệnh lý, suy dinh dưỡng, tuổi cao, suy giảm miễn dịch, và vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong phổi. Viêm phổi do vi khuẩn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những đối tượng nguy cơ cao bao gồm nghiện rượu, hút thuốc, suy nhược, gần đây có phẫu thuật, có 1 bệnh lý hô hấp hoặc nhiễm virus, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
  • Viêm phổi do virus. Nhóm này gây ra bởi nhiều loại virus, bao gồm cúm (influenza) và nó chịu trách nhiệm cho khoảng 1 phần 3 tất cả các trường hợp viêm phổi. Người bị viêm phổi do virus cũng sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn.
  • Những nguyên nhân gây viêm phổi khác có thể gặp như viêm phổi do nấm, viêm phổi hít, viêm phổi xạ trị, viêm phổi do thuốc.

Triệu chứng của viêm phổi rất đa dạng. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Ho, với những trường hợp viêm phổi do vi khuẩn thường là ho có đờm đục, đờm vàng
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Tím môi, đầu chi
  • Thở nhanh
  • Đau ngực

Viêm phổi có nguy hiểm không? Ai có thể mắc viêm phổi?

Viêm phổi có thể rất nguy hiểm và có thể gây tử vong. Đây là bệnh lý nhiễm trùng phổ biến nhất với khoảng 450 triệu người mắc mỗi năm và gây ra hơn 4 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Tại Việt Nam, viêm phổi chiếm khoảng 12% bệnh lý phổi và có tỷ lệ tử vong khoảng 1,32/100.000 người dân. Biến chứng của viêm phổi bao gồm suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi, mủ màng phổi và thường dễ gặp hơn ở người lớn tuổi, trẻ em, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc những người có các bệnh nền khác.

Tất cả mọi người đều có thể bị viêm phổi. Tuy nhiên, có những nhóm người có nguy cơ viêm phổi cao hơn. Một số đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phổi bao gồm:

  • Người >65 tuổi
  • Trẻ em đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi
  • Người suy giảm miễn dịch
  • Người có bệnh lý mạn tính như bệnh phổi mạn tính, bệnh lý tim mạch
  • Người hút thuốc
  • Người nghiện rượu.

Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm phổi?

Đôi khi viêm phổi có thể rất khó để chẩn đoán bởi vì triệu chứng đa dạng và có thể giống với triệu chứng của cúm, cảm lạnh. Để chẩn đoán viêm phổi và xác định căn nguyên gây bệnh, bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về quá trình diễn biến bệnh, khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.

Quá trình diễn biến bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về dấu hiệu, triệu chứng xuất hiện như thế nào, thời gian xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi 1 số câu hỏi để xác định căn nguyên bệnh như:

  • Quá trình đi lại gần đây
  • Nghề nghiệp
  • Tiếp xúc với động vật
  • Tiếp xúc với người bị ốm tại nhà, trường học hoặc nơi làm việc
  • Những tiền sử bệnh lý khác mà bệnh nhân mắc

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thăm khám bằng các động tác “nhìn, sờ, gõ, nghe”. Bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng của viêm phổi như nghe thấy các tiếng ran ở phổi.

Xét nghiệm chẩn đoán

Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm phổi, bác sĩ có thể sẽ đưa ra 1 số thăm dò cận lâm sàng để xác nhân chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để xác nhận tình trạng nhiễm trùng, góp phần xác định căn nguyên gây viêm phổi.
  • X-quang ngực đánh giá vị trí và mức độ của viêm phổi.
  • Đo oxy máu đầu ngón tay giúp đo lường oxy trong máu.
  • Xét nghiệm đờm trên mẫu đờm được lấy sau khi ho khạc sâu để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây viêm phổi.

Trong một số trường hợp như đối với người bệnh có nguy cơ cao, chẩn đoán chưa rõ ràng, người bệnh được nhập viện, bác sĩ có thể muốn làm thêm một số xét nghiệm bổ sung bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực giúp đánh giá tốt hơn tổn thương phổi và phát hiện các tổn thương dạng áp xe hoặc biến chứng khác của viêm phổi.
  • Khí máu động mạch để đo lường lượng oxy trong máu động mạch. Xét nghiệm này giúp đánh giá chính xác hơn so với đo độ bão hoà oxy máu đầu ngón tay.
  • Nuôi cấy dịch màng phổi: một số trường hợp viêm phổi có thể có biến chứng tràn dịch màng phổi. Bác sĩ có thể sẽ lấy dịch này làm xét nghiệm để xác định căn nguyên gây viêm phổi.
  • Nội soi phế quản là một kĩ thuật được sử dụng để quan sát đường thở trong phổi. Trong một số trường hợp như viêm phổi kéo dài, đáp ứng kém với điều trị, hoặc nghi ngờ một căn nguyên khác, bác sĩ có thể muốn quan sát xem liệu có gì ảnh hưởng đến đường thở của người bệnh. Bác sĩ có thể sẽ lấy dịch phế quản để làm xét nghiệm hoặc sinh thiết mô phế quản làm giải phẫu bệnh học.

Viêm phổi ở người cao tuổi cần lưu ý gì?

      Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy yếu hơn cũng như có nhiều bệnh nền kèm theo như bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính nên họ dễ bị viêm phổi hơn so với người trẻ tuổi. Triệu chứng viêm phổi ở người cao tuổi có thể không điển hình dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán viêm phổi ở người cao tuổi. Những người cao tuổi bị viêm phổi thường cần được điều trị tích cực hơn và họ có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng nặng của viêm phổi.

Một số triệu chứng của viêm phổi ở người cao tuổi

      Người cao tuổi cũng có thể có triệu chứng sốt, ho đờm khi bị viêm phổi nhưng thường ít hơn so với người trẻ tuổi hoặc thậm chí không có các triệu chứng này. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Lẫn lộn, mất ý thức tạm thời
  • Khó thở, thở nhanh
  • Nhịp tim nhanh
  • Hạ huyết áp
  • Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ

      Điều trị viêm phổi ở người cao tuổi

            Tuổi là một yếu tố rất quan trọng khi bác sĩ quyết định phác đồ điều trị viêm phổi. Viêm phổi ở người cao tuổi cần được điều trị tích cực hơn. Bác sĩ thường yêu cầu nhập viện điều trị với những bệnh nhân trên 65 tuổi, có bệnh nền hoặc không thể tự chăm sóc tại nhà.

            Việc lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nặng của viêm phổi, nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng của người bệnh, bệnh nền mà người bệnh mắc. Với những người bệnh đang sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà hoặc đang sống tại trại dưỡng lão, người bệnh đã từng nhập viện hoặc có tiền sử điều trị kháng sinh trước đấy, bác sĩ có thể sẽ phải sử dụng các kháng sinh cho các vi khuẩn đa kháng. Bên cạnh đó, bác sĩ còn phải cân nhắc tương tác giữa các thuốc điều trị viêm phổi và các thuốc điều trị các bệnh nền sẵn có của người bệnh.

Làm thế nào để dự phòng viêm phổi?

Viêm phổi có thể rất nặng và gây tử vong. Tuy vậy, có nhiều cách giúp dự phòng viêm phổi bao gồm vaxin và lối sống lành mạnh.

Vắc xin

Vắc xin giúp dự phòng viêm phổi gây ra bởi 1 số căn nguyên gây viêm phổi phổ biến như phế cầu, cúm. Vắc xin có thể không giúp phòng ngừa tất cả các trường hợp viêm phổi tuy nhiên nó giúp giảm tỉ lệ viêm phổi và nếu bị viêm phổi sẽ giảm nguy cơ bị biến chứng, tình trạng viêm phổi nhẹ hơn và thời gian bị bệnh ngắn hơn.

Vắc xin phòng phế cầu giúp phòng ngừa nhiễm trùng do phế cầu, là căn nguyên vi khuẩn thường gặp nhất gây ra viêm phổi. Vắc xin phòng phế cầu đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm phổi bao gồm: người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Vắc xin phòng cúm giúp phòng ngừa viêm phổi do cúm. Vắc xin phòng cúm nên được tiêm hàng năm cho tất cả mọi người.

Vắc xin phòng Hib giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn do Haemophilus influenzae là vi khuẩn có thể gây viêm phổi và viêm màng não.

Các cách khác phòng ngừa viêm phổi

Một sốt cách mà chúng ta có thể áp dụng để phòng ngừa viêm phổi bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế rượu, bia, thức uống có cồn, không sử dụng các chất kích thích.
  • Duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng tập thể dục đều đặn, giữ chế độ ăn cân bằng, đầy đủ và lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh lo lắng căng thẳng.
  • Với những người có vấn đề về nuốt, hãy chia nhỏ bữa ăn với thức ăn đặc, ngủ kê cao đầu giúp giảm nguy cơ thức ăn hoặc nước uống đi vào phổi.
  • Điều trị các bệnh nền tích cực nếu có theo chỉ định của bác sĩ.