Cách phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

  • 7/3/2024 14:15
Người bệnh

ThS.BSNT. Nguyễn Văn Ngân
Khoa Hô Hấp - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội

  1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tên Tiếng Anh là Chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là bệnh hô hấp phổ biến, có thể phòng ngừa và điều trị được. Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở và/hoặc phế nang gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển. COPD có thể đe dọa tính mạng, gây khó thở, suy hô hấp và tử vong.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình hiện nay ở Việt Nam là 4,2% cho những người có tuổi từ 40 trở lên. Điều này có nghĩa cứ 100 người có tuổi từ 40 trở lên sẽ có 4 người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại gồm hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, chất đốt sinh khối (đun nấu bằng than, củi…), phơi nhiễm nghề nghiệp (nghề mộc, nghề sơn, dệt may, xây dựng…), cùng với sự già hóa dân số.
  1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy hiểm không?

Các chuyên gia nghiên cứu và bác sĩ chuyên khoa hô hấp cảnh báo, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là “sát thủ thầm lặng” vô cùng nguy hiểm, diễn tiến nhanh, nặng dần và để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Trên thế giới, trung bình cứ 10 giây lại có 1 người bệnh COPD tử vong, tỷ lệ tử vong do COPD đứng thứ 3 trên toàn cầu, sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, COPD có tỷ lệ tử vong còn cao hơn tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông.

COPD thường xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng thanh niên và người lớn tuổi, đặc biệt là người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói bụi, hóa chất lâu năm. Ước tính cứ 5 người nghiện thuốc lá sẽ có 1 người bị COPD (tỷ lệ người bệnh do hút thuốc lá thường chiếm khoảng từ 10 – 20%).

Có thể khẳng định, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh gây gánh nặng bệnh tật rất lớn, khi ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, kinh tế của người bệnh và gia đình. Với đặc điểm là bệnh mạn tính, tiến triển nhanh, nặng dần với nhiều biến chứng ( suy hô cấp và mạn tính, tâm phế mạn tính, suy kiệt, nhiễm trùng…) sẽ làm người bệnh suy giảm chức năng phổi, hạn chế hoạt động thể lực, giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế và tử vong. Mặt khác, người bệnh và người chăm sóc luôn ở trạng thái lo lắng và có thể mắc các bệnh như: suy nhược thần kinh, trầm cảm…

  1. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào? Khi nào phải thở oxy? Thở máy không xâm lấn?

Bệnh COPD có thể gây ra những tổn thương lâu dài cho phổi, nhưng bệnh có thể phòng ngừa cũng như điều trị làm chậm quá trình tiến triển. Ngay khi phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo bất thường ở đường hô hấp, người bệnh cần thăm khám sớm với cơ quan y tế chuyên môn để được kịp thời hỗ trợ, tránh tình trạng xấu đáng tiếc xảy ra.

Dưới đây là một số biện pháp kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiệu quả:

- Bỏ thuốc lá: Khói thuốc lá là tác nhân chính gây bệnh, vì thế trong quá trình điều trị bệnh, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cai nghiện thuốc lá, để tăng hiệu quả điều trị.

- Sử dụng các loại thuốc giãn phế quản dạng phun, hít, xịt, khí dung: Các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh thở dễ dàng hơn và cải thiện tình trạng hô hấp.

- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo để điều trị dự phòng COPD, chỉ được chỉ định trong một số trường hợp tái phát đợt cấp do nhiễm khuẩn ở phế quản phổi. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh điều trị nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh.

- Chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, giàu vitamin A, D, E và khoáng chất (hoa quả, rau xanh…). Bổ sung các loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời, có chế độ nghỉ ngơi, kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng phổi (hô hấp liệu pháp), thể dục rèn luyện thể lực hợp lý theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

- Thở oxy: là liệu pháp hỗ trợ người bệnh đang trong tình trạng bị thiếu oxy máu, suy hô hấp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà liệu pháp thở oxy ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được sử dụng ngắn hạn tại các cơ sở y tế hoặc được bác sĩ chỉ định sử dụng dài hạn tại nhà. Cụ thể là các trường hợp áp lực riêng phần của oxy trong máu động mạch < 50mmHg, hoặc áp lực riêng phần oxy trong máu động mạch từ 51-55mmHg nhưng kèm theo một trong các dấu hiệu của tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn tính.

- Thở máy không xâm lấn: là hình thức hỗ trợ thở máy cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà không sử dụng ống đặt nội khí quản. Liệu pháp này được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp suy hô hấp cấp và mạn tính, giúp tránh được các biến chứng tiềm tàng khi thông khí cơ học xâm lấn. Ngoài ra, liệu pháp này còn được sử dụng để hỗ trợ liệu pháp cai thở máy. Thở máy không xâm lấn tại nhà đối với người bệnh có tăng CO2 máu ban ngày (PaCO2 ≥ 50 mmHg) kèm hoặc không tiền sử nhập viện gần đây hoặc người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đồng mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. 

  1. Làm thế nào để phòng tránh Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

          Các chuyên gia y tế khuyến cáo, gánh nặng bệnh tật của COPD rất lớn, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Do đó, bảo vệ sức khỏe lá phổi là vô cùng quan trọng và khẩn cấp. Hãy bảo vệ lá phổi của trẻ em và người lớn khỏe mạnh để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh lý về đường hô hấp bằng các biện pháp đơn giản, hữu ích dưới đây:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc dù chủ động hay thủ động.

-  Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi tiếp xúc với khói, bụi. Cần đeo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Vệ sinh môi trường sống hợp lý, không đun bếp than, củi.

- Tránh lạnh đột ngột, vệ sinh mũi họng thường xuyên để đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp trên; khi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì cần nhận biết sớm và điều trị ngay.

- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn….

- Dinh dưỡng và vận động: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng sức khỏe.

- Khám sức khỏe định kỳ: đây là yếu tố quan trọng giúp phát hiện sớm và kiểm soát COPD. Bệnh nhân phải thường xuyên kiểm tra để xem xét các triệu chứng và can thiệp biện pháp điều trị khi cần thiết.

- Sử dụng thuốc điều trị và điều trị dự phòng: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc khi có chỉ định như thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản, corticoid, thở oxy… Cần phải điều trị dự phòng thuốc hằng ngày để kiểm soát tốt tình trạng bệnh và tránh các đợt cấp phải nhập viện điều trị với chi phí lớn, thậm chí đe dọa tính mạng.

- Tiêm chủng đầy đủ: Tiêm phòng là “vũ khí” ngừa bệnh hiệu quả, làm giảm bệnh tật nghiêm trọng và tử vong đối với bệnh nhân COPD. Tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19, vắc xin cúm, phế cầu khuẩn đã được chứng minh giúp giảm các đợt cấp COPD.

  1. Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì? Cách nhận biết và xử trí, phòng tránh đợt cấp?     

          Đợt cấp COPD (tên tiếng Anh – COPD Exacerbation) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh, trở nên xấu đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đòi hỏi có sự thay đổi ở phác đồ điều trị thông thường. Đợt cấp nếu không được phát hiện kịp thời sẽ làm chậm trễ trong quá trình điều trị dẫn đến tiên lượng bệnh nặng.

Cách nhận biết đợt cấp COPD

Một số triệu chứng hay gặp trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

- Khó thở tăng: Người bệnh khi vào đợt cấp thường có biểu hiện thở không thoải mái, cảm giác không đủ không khí để thở, cơn khó thở có xu hướng tăng dần, người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang ngủ nghỉ ngơi. Đây cũng là một trong những triệu chứng rất thường gặp trong đợt cấp.

- Khạc đờm số lượng tăng hơn so với bình thường

- Thay đổi màu sắc của đờm: đờm chuyển vàng đục, xanh...

- Các triệu chứng toàn thân khác (sốt, đau ngực, rối loạn ý thức, thở khò khè, thở rít...)

Cách xử trí đợt cấp COPD

Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của đợt cấp, bạn cần phải sử dụng các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để cắt cơn. Cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời nếu các triệu chứng không thuyên giảm hay trở nặng.

- Sử dụng thuốc các thuốc giãn phế quản như: Cường beta-2, kháng cholinergic, ưu tiên sử dụng các thuốc đường phun, hít, xịt. Giai đoạn nặng thì cần sử dụng đường tĩnh mạch.

- Sử dụng corticoid dạng hít hoặc corticoid toàn thân (uống hoặc tiêm tĩnh mạch).

- Sử dụng kháng sinh để tiêu diệt các loại vi khuẩn đang gây viêm nhiễm đường hô hấp.

- Hỗ trợ hô hấp: thở oxy, trường hợp nặng sẽ cần hỗ trợ thở máy không xâm nhập, nặng hơn nữa phải thở máy xâm nhập

Cách phòng tránh đợt cấp COPD

Các đợt cấp tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, nhưng bạn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các đợt cấp trong mùa đông bằng những cách sau:

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng phổi như bụi, than, dầu đốt…

- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, đặc biệt trong mùa lạnh để ngăn ngừa nhiễm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp.

- Uống nhiều nước để thông đường thở và làm chất dịch nhầy không trở nên quá đặc, cản trở hô hấp.

- Tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, một số vắc xin khác như phế cầu cũng được khuyến cáo có hiệu quả tốt với người mắc COPD. Tình trạng mắc bệnh cúm và viêm phổi là yếu tố dễ khởi phát đợt cấp của COPD.

- Duy trì các phác đồ điều trị COPD và tái khám định kỳ thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe của bạn đang ở mức tốt

- Rèn luyện và tập cho bản thân các thói quen tốt, chẳng hạn như ngủ đủ giấc vào ban đêm và ăn uống lành mạnh.

- Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc thụ động.

- Rửa tay thường xuyên và sử dụng nước rửa tay để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng.

- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đa dạng, nghỉ ngơi nhiều và tập thể dục nhẹ nhàng khi có thể.

  1. Vắc xin có quan trọng đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không? Nên tiêm những loại nào? Vào thời điểm nào?

Vắc xin có vai trò quan trọng đối với dự phòng đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên nhân nhiễm khuẩn chiếm đến 70 – 80% căn nguyên gây đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn giúp làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong.

- Theo khuyến cáo của GOLD năm 2024, người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm phòng vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu, phòng ho gà, phòng Covid -19, phòng vi rút hợp bào hô hấp và phòng Zoster để làm giảm nguy mắc các đợt bùng phát COPD.

- Người bệnh COPD khi tiêm phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp). Sau khi tiêm, người bệnh cần tiếp tục duy trì điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để kiểm soát tốt các triệu chứng COPD và lưu ý không sử dụng corticosteroid trong 2 tuần.

  1. Có thuốc gì bổ phổi không?

“Thuốc” giúp bổ phổi chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra, đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất, các bài tập thở hoành, bài tập chúm môi, tập ho có kiểm soát, vổ, rung, dẫn lưu tư thế… Kèm theo là chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe mỗi người.

  1. Có cần đi tầm soát phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không?

          Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh không lây nhiễm, nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tại Việt Nam, phần lớn người dân chỉ biết mình mắc bệnh khi đã ở mức độ trung bình và nặng. Nếu không phải do bẩm sinh thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường từ các yếu tố nguy cơ, như: hút thuốc lá, thuốc lào; môi trường ô nhiễm, hoặc do suy hô hấp. Điều đáng ngại, nếu không đi kiểm tra và điều trị sớm thì bệnh này có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch và sẽ đồng mắc với nhiều bệnh lý khác. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, gọi tắt là COPD, hiện đang là gánh nặng lên sức khỏe, kinh tế và xã hội. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được sàng lọc và phát hiện sớm để tránh các biến chứng nặng nề như suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong. Có phát hiện sớm mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay không, ngoài việc chờ các cơ sở y tế tổ chức sàng lọc tại cộng đồng thi người dân nên chủ động nhận biết các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để đi khám bệnh kịp thời.