Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày như thế nào?

  • 13/3/2024 08:28
Người bệnh

ThS. BSNT. Phùng Thị Thơm
Khoa Hô hấp - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội

 

  1. Ngừng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ (NTKN) là hiện tượng mà NB có các cơn ngưng thở kéo dài trên 10 giây lặp đi lặp lại nhiều lần trong lúc ngủ, không khí không đi vào phổi được gây tình trạng thiếu oxy máu. NTKN chia ra làm 3 loại: tắc nghẽn, trung ương và hỗn hợp, trong đó NTKN do tắc nghẽn là phổ biến nhất, tỷ lệ khoảng 8,5% người trưởng thành Việt Nam mắc phải nhưng trong số đó thì ước tính khoảng 90% là chưa được chẩn đoán và điều trị. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay còn gọi tắt là OSA (obstructive sleep apnea) là hiện tượng mà đường hô hấp trên bị hẹp 1 phần hay hoàn toàn trong lúc ngủ gây ra các cơn ngừng thở.

  1. Ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ có nguy hiểm không?

Ngáy là âm thanh nghe khàn hoặc khò khè phát ra từ mũi hoặc miệng, là một triệu chứng xảy ra trong lúc ngủ do vùng sau của họng bị hẹp lại, không khí đi qua một khoang hẹp làm các mô xung quanh rung lên gây nên tiếng ngáy. Ngáy có thể là biểu hiện của tình trạng sinh lí bình thường khi cơ thể làm việc quá sức hoặc có thể là tình trạng bệnh lí, biểu hiện của hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Trong trường hợp ngủ ngáy đơn thuần, không kèm bệnh lí, ngủ ngáy không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ngủ ngáy là biểu hiện của hội chứng ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn thì nó lại là một bệnh lí nguy hiểm gây ra các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí là đột tử trong đêm. Bởi vậy ngừng thở khi ngủ được ví như là “sát thủ thầm lặng”.

  1. Nguyên nhân gây ngừng thở khi ngủ

Trong hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngưng thở xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ (do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm). Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn thường gặp ở những người có thể tạng béo phì, đặc biệt là thể béo trung tâm làm mô mỡ tập trung vùng quanh cổ họng nhiều gây hẹp hoặc những người có lưỡi quá to, viêm amydal phì đại, VA to, xương hàm dưới tụt về phía sau.  Những người có vấn đề về mũi xoang như viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp, polyp mũi, lệch vách ngăn mũi cũng làm cho đường hô hấp trên bị hẹp trong lúc ngủ gây ra ngừng thở.

Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, thường gặp trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não hoặc một số bệnh lí làm mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp của não trong lúc ngủ như suy tim hay bệnh lý về thần kinh.

  1. Các yếu tố nguy cơ của ngừng thở khi ngủ

Những người có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ nếu có: béo phì (nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường); bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên (phì đại amidan, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi…); nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện; trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ; đang mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

  1. Ngừng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt hàng ngày

Ngừng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ do làm gián đoạn giấc ngủ và ngủ không sâu giấc, cơ thể không được thư giãn, nghỉ ngơi. Do đó, nó là nguyên nhân gây ra mệt mỏi, uể oải, tinh thần không được thoải mái, hay buồn ngủ vào ban ngày. Đặc biệt bệnh này nếu gặp trên những người làm vận hành máy móc kĩ thuật hay người lái xe có thể gây ra các tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Ngoài ra, ngừng thở khi ngủ còn gây ảnh hưởng tới trí nhớ, khả năng tập trung học tập và lao động, giảm thành tích học tập và năng suất lao động.

  1. Triệu chứng của ngừng thở khi ngủ là gì?

Ngừng thở khi ngủ thường được phát hiện bởi người ngủ cùng với người bệnh với các biểu hiện như: ngủ ngáy to, tiếng thở, tiếng ngáy bị ngưng lại trong một khoảng thời gian. Người bệnh cũng cảm thấy hay thức giấc ban đêm, tiểu đêm, vã mồ hôi đêm, cảm giác giật mình hay ngạt thở trong khi ngủ, hay buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi, uể oải, đau đầu vào buổi sáng, giảm trí nhớ, giảm độ tập trung, thậm chí một số người có thể giảm khả năng tình dục.

  1. Làm thế nào để biết mình mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ?

Những người nghi ngờ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ có các biểu hiện: ngủ ngáy to, thức dậy ban đêm nhiều lần, cảm giác ngạt thở trong khi ngủ, hay buồn ngủ ban ngày, thấy mệt mỏi sau một giấc ngủ dài... Đặc biệt căn bệnh này hay gặp ở những người thừa cân, béo phì, vòng cổ lớn, mắc các bệnh lí chuyển hoá như: tăng huyết áp, suy tim, rối loạn mỡ máu, hoặc các bệnh lí vùng mũi họng như viêm amydal quá phát, lệch vách ngăn mũi, cằm ngắn…Để xác định chính xác bản thân có mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ hay không, người bệnh cần đến khám với bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được thăm khám và làm các thăm dò về giấc ngủ như đo đa kí hô hấp hoặc đo đa kí giấc ngủ để phát hiện các cơn ngừng thở khi ngủ và hậu quả của nó lên oxy máu cũng như giấc ngủ.

Đo đa ký  hô hấp: Đa ký hô hấp là kỹ thuật thăm dò giúp ghi nhận tình trạng thở (ngưng thở, giảm thở) thông qua dụng cụ cảm nhận dòng khí đeo ở mũi, bão hòa oxy, tình trạng ngáy, cử động hô hấp, nhịp tim trong khi ngủ từ đó giúp đánh giá chất lượng giấc ngủ, cho phép chẩn đoán xác định ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, và mức độ nặng của bệnh. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, an toàn, có thể thực hiện tại nhà hoặc tại bệnh viện

Đo đa kí giấc ngủ: Tương tự đa ký hô hấp nhưng đa ký giấc ngủ có thêm nhiều kênh đo khác như: sóng điện não, điện tim, cử động mắt, điện cơ cằm và cử động của 2 chân. Do mang lại nhiều thông tin hơn nên đa ký giấc ngủ được coi là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán hội chứng ngừng thở khi ngủ và nó cũng cần người bệnh phải ngủ tại phòng đo ở bệnh viện.

  1. Khi nào thì cần đi khám bác sỹ

Ngừng thở khi ngủ thường được phát hiện bởi người ngủ cùng. Do vậy, nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ ngừng thở khi ngủ như: ngủ ngáy, tiếng thở khi ngủ không liên tục, hay thức giấc về đêm, hay ngủ gật vào ban ngày, mệt mỏi, uể oải buổi sáng dù thời gian ngủ không thiếu, thì bạn nên đến gặp các bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được thăm khám lâm sàng cũng như làm các thăm dò trong khi ngủ nhằm chẩn đoán sớm hội chứng ngừng thở khi ngủ và điều trị kịp thời.

  1. Bệnh ngừng thở khi ngủ có chữa được không?

Ngừng thở khi ngủ có thể chữa được nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh mà bác sỹ sẽ đưa ra biện pháp điều trị cụ thể như: giảm cân, thay đổi tư thế ngủ, phẫu thuật cắt amydal, mở rộng vòm hầu, thở máy áp lực dương,… Trong các biện pháp kể trên thì thở máy áp lực dương CPAP vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất để xóa đi các cơn ngừng thở khi ngủ cho người bệnh.

  1. Điều trị ngừng thở khi ngủ như thế nào?

Tùy thuộc mức độ và nguyên nhân gây ra ngừng thở khi ngủ mà bác sỹ quyết định các phương pháp điều trị khác nhau như:

  • Thở máy áp lực dương CPAP: là phương pháp điều trị hiệu quả nhất trong các trường hợp ngừng thở tắc nghẽn nặng. Thở máy áp lực dương giúp đường thở luôn mở thông thoáng trong suốt giấc ngủ,
  • Đặt dụng cụ cố định hàm hoặc lưỡi: Các thiết bị đặc biệt có thể giúp giữ hàm và lưỡi ở vị trí không gây áp lực lên khí quản. Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến trung bình. Mặc dù những thiết bị qua miệng này không cải thiện khả năng thở nhiều như liệu pháp CPAP nhưng chúng có thể làm giảm tình trạng ngáy.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ amydal trong trường hợp amydal quá phát và phẫu thuật loại bỏ mô trong cổ họng và mở rộng đường thở có thể là một lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân có mô làm tắc nghẽn đường thở.
  • Một số biện pháp thay đổi lối sống: thay đổi tư thế ngủ sang ngủ nghiêng, tập luyện thể dục thể thao giảm cân, tập một số bài tập vùng miệng họng, kiêng rượu bia, thuốc lá,

  1. Biến chứng của ngừng thở khi ngủ?

Ngừng thở khi ngủ làm không khí không vào phổi gây thiếu oxy máu, từ đó cơ thể có các phản ứng như: tim đập nhanh, huyết áp tăng, gây ra các stress cho tim, phổi, mạch máu não, có thể gây nên các cơn khó thở. Do đó, nó là một trong các nguyên nhân gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim,  tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp kháng trị. Cơ thể sinh ra nhiều chất độc gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: đột quỵ tim, tai biến mạch máu não, thậm chí đột tử trong giấc ngủ. Nó cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lí chuyển hoá như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, các bệnh lí tâm thần kinh như suy giảm trí nhớ,… Ngừng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ do các cơn ngừng thở làm đánh thức não, gây thức giấc liên tục trong đêm, làm cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, nằm trên giường nhiều nhưng hiệu quả giấc ngủ kém. Từ đó, hiệu quả công việc, học tập bị ảnh hưởng trầm trọng, đặc biệt nó làm người mắc hay ngủ gật ban ngày, điều này đặc biệt nguy hiểm nếu người mắc làm các công việc điều hành máy móc hay lái xe, lái máy bay.

  1. Ai có thể bị ngừng thở khi ngủ?

Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tăng dần theo tuổi, nam nhiều hơn nữ, thậm chí trẻ nhỏ cũng có thể mắc ngừng thở khi ngủ. Cần chú ý đến các đối tượng nguy cơ cao mắc ngừng thở khi ngủ như: thừa cân, béo phì, bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên (phì đại amidan, hàm nhỏ, hàm tụt ra sau, lưỡi quá to…), người có bệnh lí mạn tính về mũi xoang (viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn, lệch vách ngăn mũi,…) hay các đối tượng mắc suy tim, tai biến mạch máu máu não, sử dụng thuốc an thần, rượu bia, chất gây nghiện kéo dài,…

  1. Ngừng thở khi ngủ ở trẻ em

Tỷ lệ mắc ngừng thở khi ngủ tăng dần theo lứa tuổi, hay gặp nhất ở nam giới lớn tuổi. Tuy nhiên ngừng thở khi ngủ vẫn có thể gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân ngừng thở khi ngủ gặp ở trẻ chủ yếu do bất thường vùng hàm mặt, phì đại amydal, VA, béo phì, chứng rối loạn trương lực cơ trong một số hội chứng bệnh lí di truyền như hội chứng Down, bại não, hội chứng loạn dưỡng cơ.

Biểu hiện ngừng thở khi ngủ ở trẻ em cũng có nhiều điểm khác biệt so với người lớn như: ngủ ngáy, chảy dãi, hay đái dầm, có thể biểu hiện kích động khi ngủ, ban ngày trẻ kém tập trung, rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý,… Ngừng thở khi ngủ ở trẻ em không những làm ảnh hưởng đến sức khoẻ hiện tại của trẻ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển sau này như làm kém phát triển thể chất và trí tuệ, học kém, giảm tập trung,…Do đó các bậc phụ huynh cần chú ý các biểu hiện nghi ngờ ngừng thở khi ngủ ở trẻ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc.