Thay đổi lối sống hàng ngày để phòng tránh bệnh viêm phế quản

  • 13/3/2024 10:39
Người bệnh

Ths.BSNT Trần Duy Hưng
Khoa hô hấp - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Viêm phế quản là tình trạng hệ thống ống phế quản dẫn khí đến phổi bị viêm, phù nề. Có hai loại viêm phế quản, bao gồm viêm phế quản cấp tính và mãn tính:

  • Viêm phế quản cấp: Phổ biến hơn, được đặc trưng là khởi phát cấp tính nhưng có thể ho dai dẳng, có hoặc không có đờm. Nó thường hết trong vòng một đến ba tuần. Các triệu chứng của bệnh là hậu quả của tình trạng viêm đường hô hấp dưới mà căn nguyên hầu hết là do nhiễm virus.
  • Viêm phế quản mạn tính: Thường thấy ở những người đã và đang hút thuốc lá. Nó xảy ra khi niêm mạc của ống phế quản liên tục bị kích thích và viêm nhiễm, gây ho khạc đờm kéo dài, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Virus hoặc vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào các ống phế quản bị ttonr thương do khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, hơi khí độc... Nếu điều này xảy ra, tình trạng viêm sẽ xấu đi và kéo dài hơn. Kết quả là, những người bị viêm phế quản mạn tính có những giai đoạn mà các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn nhiều so với bình thường được gọi là đợt cấp. Vì vậy, viêm phế quản mạn tính nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính. Chẩn đoán và điều trị sớm, kết hợp với việc bỏ hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động, có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài đời sống. Cơ hội phục hồi hoàn toàn là thấp đối với những người bị viêm phế quản mạn tính nặng.

Viêm phế quản cấp thường không nguy hiểm, không gây ra các biến chứng hô hấp lâu dài ở những người trẻ, khỏe mạnh sau khi họ khỏi bệnh. Tuy nhiên ở trẻ em, những người già, mắc các bệnh lí hô hấp, tim mạch mạn tính, những người có hệ miễn dịch suy yếu thì có nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm phổi, khởi phát cơn hen phế quản,…

NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN

Viêm phế quản cấp tính

Nhiễm trùng hoặc kích thích niêm mạc đường hô hấp gây viêm phế quản cấp tính. Các loại virus gây cảm lạnh và cúm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản cấp tính. Những loại virus này lây lan qua không khí khi người ta ho. Chúng cũng lây lan qua tiếp xúc vật lý (ví dụ: trên tay chưa được rửa sạch). Đôi khi vi khuẩn cũng gây viêm phế quản cấp tính.

Viêm phế quản cấp tính kéo dài từ vài ngày đến 10 ngày. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài vài tuần thậm chí cả tháng sau khi hết nhiễm trùng. Một số chất có thể gây kích ứng đường hô hấp, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp tính. Ví dụ: hít phải hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói, hơi hoặc ô nhiễm không khí sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. 

Những chất kích thích phổi này cũng có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Tiếp xúc với lượng bụi hoặc khói cao, chẳng hạn như từ một vụ nổ hoặc đám cháy lớn, cũng có thể dẫn đến viêm phế quản cấp tính. Tránh những chất kích thích phổi này càng nhiều càng tốt có thể giúp giảm nguy cơ viêm phế quản cấp tính.

Viêm phế quản mạn tính:

Hít phải khói nhiều lần gây kích ứng và tổn thương các nhu mô phổi và đường thở gây ra viêm phế quản mạn tính. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Hít thở không khí ô nhiễm và bụi hoặc khói từ môi trường hoặc nơi làm việc cũng có thể dẫn đến viêm phế quản mạn tính. Những người bị viêm phế quản mạn tính sẽ trải qua những giai đoạn mà các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn nhiều so với bình thường. Trong thời gian này, họ cũng có thể bị viêm phế quản cấp tính do virus hoặc vi khuẩn.

AI CÓ NGUY CƠ BỊ VIÊM PHẾ QUẢN?

Viêm phế quản là một tình trạng rất phổ biến. Hàng triệu trường hợp xảy ra mỗi năm.

Người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp tính cao hơn những người ở các nhóm tuổi khác.

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm phế quản mạn tính, nhưng nó xảy ra thường xuyên hơn ở những người trên 40 tuổi. Ngoài ra, nhiều người lớn bị viêm phế quản mạn tính là do hút thuốc. Phụ nữ có nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh viêm phế quản mạn tính cao gấp đôi so với nam giới.

Hút thuốc và mắc bệnh phổi hiện tại làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản. Tiếp xúc với bụi, khói hóa chất và hơi từ một số công việc nhất định cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Ví dụ bao gồm các công việc trong khai thác than, sản xuất dệt may, xử lý ngũ cốc và chăn nuôi.

Ô nhiễm không khí, nhiễm trùng và dị ứng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm phế quản mãn tính, đặc biệt nếu bạn hút thuốc.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể gặp: mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, …

NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM PHẾ QUẢN

Viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp tính do nhiễm trùng thường phát triển sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Các triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm bao gồm đau họng, mệt mỏi, sốt, đau mỏi toàn thân, ngạt mũi hoặc sổ mũi, nôn và tiêu chảy.

Triệu chứng chính của viêm phế quản cấp tính là ho, có thể kéo dài 10 đến 20 ngày. Ho có thể có đờm nhầy trong. Nếu đờm có màu vàng, đục hoặc xanh thì có thể bị nhiễm vi khuẩn. Ngay cả sau khi hết nhiễm trùng vẫn có thể bị ho khan trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Các triệu chứng khác của viêm phế quản cấp tính bao gồm thở khò khè (tiếng huýt sáo hoặc tiếng rít khi thở), sốt nhẹ và tức ngực hoặc đau mỏi.

Nếu viêm phế quản cấp tính nghiêm trọng cũng có thể bị khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất.

Viêm phế quản mạn tính

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản mạn tính bao gồm ho, thở khò khè và khó chịu ở ngực. Ho có thể ra một lượng lớn đờm. Loại ho này thường được gọi là ho của người hút thuốc. Thường ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp trở lên.

VIÊM PHẾ QUẢN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán viêm phế quản dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể đặt câu hỏi về cơn ho của bạn, chẳng hạn như bạn đã mắc bệnh này bao lâu, bạn ho ra sao và bạn ho bao nhiêu lâu, ho có đờm không? Trước đó có sốt không?...

Bác sĩ của bạn cũng có thể sẽ hỏi:

  • Về tiền bệnh tật của bạn
  • Gần đây bạn có bị cảm lạnh hay cúm không
  • Bạn hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc khói thuốc gián tiếp không
  • Bạn đã từng tiếp xúc với bụi, khói, hơi hoặc không khí ô nhiễm không

Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe tiếng bất thường khác trong phổi của bạn. Bác sĩ cũng có thể:

  • Xét nghiệm vi sinh: thường sử dụng dịch tỵ hầu (ngoáy họng) hoặc đờm để xác nhận loại virus hoặc vi khuẩn.

ĐIỀU TRỊ VIÊM PHẾ QUẢN NHƯ THẾ NÀO?

Đối với  viêm phế quản cấp tính thì việc trấn an người bệnh và điều trị các thuốc giảm triệu chứng là nền tảng. Đặc biệt chú ý, kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng thường xuyên. Đối với đa số bệnh nhân, việc sử dụng kháng sinh không đẩy nhanh quá trình hồi phục hoặc ngăn ngừa các biến chứng nhưng khiến bệnh nhân tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bao gồm các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như nhiễm trùng Clostridioides difficile và sốc phản vệ. Người bệnh nên biết rằng viêm phế quản cấp tính là một bệnh có thể tự khỏi, thông thường bệnh sẽ khỏi sau một đến ba tuần mà có thể không cần điều trị.

Liệu pháp điều trị viêm phế quản cấp với mục đích để giảm các triệu chứng, bao gồm:

Liệu pháp không dùng thuốc: Đối với những bệnh nhân bị viêm phế quản cấp tính bị ho có những lựa chọn không sử dụng thuốc như dùng viên ngậm giảm ho, trà nóng, mật ong, tránh khói bụi, khói thuốc lá.

Liệu pháp dùng thuốc:

  • Thuốc giảm ho: Nếu các cơn ho ảnh hưởng đến sinh hoạt, khiến NB  không thể ngủ đượ thì cần phải sử dụng tới thuốc giảm ho.
  • Một số loại thuốc khác: chẳng hạn như albuterol hay salbutamol chỉ sử dụng cho những bệnh nhân khò khè và có bệnh lí phổi đặc biệt. Không nên sử dụng ibuprofen, corticosteroid đường uống để điều trị ho liên quan đến viêm phế quản cấp tính, do thiếu hiệu quả và lo ngại về tác dụng phụ của thuốc.

Tránh lạm dụng kháng sinh:

Đối với đại đa số bệnh nhân bị viêm phế quản cấp tính thì không nên sử dụng kháng sinh. Bác sĩ sẽ thảo luận rõ ràng về nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng kháng sinh đối với những bệnh nhân muốn dùng kháng sinh. Đối với hầu hết bệnh nhân, rủi ro liên quan đến việc sử dụng kháng sinh lớn hơn lợi ích.

Các nghiên cứu lớn đã cho thấy không có sự gia tăng tỷ lệ biến chứng ở những bệnh nhân không được kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính. Việc sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định làm thay đổi hệ vi khuẩn của bệnh nhân và có nguy cơ tạo ra các vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh cũng làm tăng chi phí tài chính.

Đối với viêm phế quản mạn tính: không có cách chữa trị, nhưng việc giảm các yếu tố nguy cơ và tránh các tác nhân gây bệnh có thể giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát. Viêm phế quản mạn tính thường không khỏi hoàn toàn nhưng có thể thuyên giảm sau khi điều trị. Bỏ hút thuốc là một bước quan trọng để điều trị viêm phế quản mạn tính. Các phương pháp điều trị khác bao gồm:

CÁC CÁCH GIÚP PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa được bệnh viêm phế quản cấp tính hoặc mạn tính. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm rủi ro mắc bệnh. Bước quan trọng nhất là bỏ hút thuốc hoặc không bắt đầu hút thuốc.

Để giúp giảm nguy cơ và phòng ngừa bệnh viêm phế quản, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

  • Rửa tay là biện pháp thiết yếu và hiệu quả cao để ngăn chặn lây nhiễm bệnh. Dung dịch rửa tay có chứa cồn là giải pháp thay thế tốt để vệ sinh tay nếu không có bồn rửa.
  • Tránh tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá. Uống nhiều nước
  • Tiêm chủng vaccin hàng năm giúp bảo vệ sức khỏe.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc bị cúm.
  • Đeo khẩu trang y tế tại nơi phải tiếp xúc với khói bụi hoặc khi ở nơi đông người.
  • Tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ để có sức khỏe tốt.

SỐNG CHUNG VỚI BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN MẠN TÍNH

Nếu bạn bị viêm phế quản mạn tính, bạn có thể thực hiện các cách sau để kiểm soát các triệu chứng của mình. Thay đổi lối sống và chăm sóc liên tục có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này.

Thay đổi lối sống

Bước quan trọng nhất là không bắt đầu hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về các chương trình và sản phẩm có thể giúp bạn bỏ thuốc lá.

Ngoài ra, hãy cố gắng tránh các chất kích thích đường hô hấp khác, chẳng hạn như khói thuốc, bụi, khói, hơi và không khí ô nhiễm. Điều này sẽ giúp phổi của bạn khỏe mạnh.

Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc cúm. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm.

Thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất nhiều nhất có thể. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc. Nó cũng bao gồm thịt nạc, thịt gia cầm, cá và sữa hoặc các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa , cholesterol, muối và đường.

Chăm sóc liên tục

Gặp bác sĩ thường xuyên và dùng tất cả các loại thuốc theo quy định. Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc tiêm phòng cúm hàng năm và vắc xin ngừa viêm phổi như là vaccin phòng phế cầu .

Nếu bạn bị viêm phế quản mạn tính, bạn có thể được hưởng lợi từ việc phục hồi chức năng hô hấp. Đây là là một chương trình phổ biến, rộng rãi giúp cải thiện sức khỏe của những người mắc các vấn đề về hô hấp mạn tính.

Những người bị viêm phế quản mạn tính thường thở nhanh. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về một phương pháp thở gọi là thở mím môi. Phương pháp này làm giảm tần suất bạn hít thở và giúp đường thở của bạn mở lâu hơn. Điều này cho phép nhiều không khí đi vào và ra khỏi phổi hơn để bạn có thể hoạt động thể chất nhiều hơn.

Để thực hiện hơi thở mím môi, bạn hít vào bằng mũi. Sau đó, bạn từ từ thở ra qua đôi môi hơi mím lại, như thể bạn đang thổi tắt một ngọn nến. Bạn thở ra lâu hơn hai đến ba lần so với hít vào. Một số người thấy hữu ích khi đếm đến hai khi hít vào và đếm đến bốn hoặc sáu khi thở ra.