Ths.BSNT. Đặng Thành Đô
Khoa Hô Hâp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Giãn phế quản là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục, vĩnh viễn không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2 mm. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ho mạn tính, phế quản tăng tiết đờm quá mức và các đợt cấp do nhiễm khuẩn tái phát.
Bệnh giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản (GPQ) là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục, vĩnh viễn không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2 mm. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng ho mãn tính, phế quản tăng tiết đờm quá mức và các đợt cấp do nhiễm khuẩn tái phát.
Bệnh gây ra do sự phá hủy tổ chức của thành phế quản – hậu quả của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp mạn tính, sau khi bị một số nhiễm trùng ở phổi, hoặc bẩm sinh trong bệnh xơ nang.
GPQ có thể lan rộng khắp phổi (lan tỏa) hoặc cục bộ hơn (khu trú).
GPQ được chia thành: GPQ hình túi, GPQ hình trụ và GPQ hình tràng hạt.
Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán giãn phế quản?
Bệnh giãn phế quản được chẩn đoán bằng hình ảnh X-quang phổi và cắt lớp vi tính (CTVT) ngực. Tuy nhiên chụp CLVT ngực lớp mỏng độ phân giải cao có giá trị nhất trong chẩn đoán xác định.
Chụp CTVT giúp xác định vùng và mức độ nặng của bệnh giãn phế quản và có thể xác định một số nguyên nhân gây bệnh.
CLVT ngực bệnh nhân GPQ, các nhánh phế quản giãn to và ứ mủ bên trong (mũi tên)
Bệnh nhân có thể cần làm thêm xét nghiệm cấy đờm và đo chức năng hô hấp.
Xét nghiệm cấy đờm để tìm loại vi khuẩn có thể cư trú trong vùng giãn phế quản từ đó sẽ giúp xác định kháng sinh nào có hiệu quả tốt nhất trong đợt cấp.
Ngoài ra bệnh nhân giãn phế quản có thể cần làm thêm thủ thuật nội soi phế quản để hút dịch đờm mủ trong phế quản, xác định một số nguyên nhân giãn phế quản (VD: dị vật phế quản, lao, nấm…) và nuôi cấy vi khuẩn dịch phế quản.
Bệnh giãn phế quản cần phải được theo dõi như thế nào?
Giãn phế quản là tình trạng các cấu trúc của thành phế quản bị phá hủy nên dễ bị viêm và dễ dàng sập xuống. Kèm theo đó là sự suy giảm thông khí, trao đổi khí và giảm khả năng dẫn lưu đờm nhầy trong lòng phế quản ra ngoài. Sự tích tụ đờm nhầy tạo điều kiện thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn xâm nhập, cư trú trong lòng phế quản và gây ra các đợt nhiễm khuẩn tái đi tái lại. Tình trạng nhiễm trùng phế quản càng làm bệnh nặng lên tạo ra vòng xoắn bệnh lý.
Giãn phế quản là tổn thương không thể hồi phục được, tuy nhiên điều trị giúp giảm triệu chứng, giảm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp và sự tiến triển của bệnh. Điều trị giúp bệnh giãn phế quản không trở nên tồi tệ hơn, và giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
Người bị giãn phế quản cần chú ý theo dõi các triệu chứng của mình như ho khạc đờm, khó thở, sốt… Khi có dấu hiệu của đợt bội nhiễm cần tới thăm khám tại chuyên khoa hô hấp để bác sĩ đánh giá và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp để phòng tránh đợt cấp của bệnh:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều bụi khói.
- Vệ sinh tốt răng miệng, tai - mũi - họng.
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi.
- Tiêm phòng cúm, phế cầu, ho gà để đề phòng những đợt bội nhiễm của giãn phế quản phải sử dụng kháng sinh, nhập viện và suy giảm chức năng hô hấp.
- Rèn luyện thân thể thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cổ ngực, đề phòng các đợt bội nhiễm khi đã bị giãn phế quản.
Bệnh giãn phế quản có tiêm được vắc xin không? Nên tiêm những loại nào?
Nhiễm khuẩn là một trong những căn nguyên gây ra đợt cấp của bệnh giãn phế quản. Phòng tránh các đợt bội nhiễm của bệnh giãn phế quản giúp làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, giảm nguy cơ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong. Một trong những biện pháp phòng tránh đợt bội nhiễm của giãn phế quản là tiêm phòng vắc xin. Người bị bệnh giãn phế quản nên tiêm phòng vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu, phòng Covid -19, phòng ho gà.
Cúm mùa là một bệnh hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây ra. Bệnh xảy ra chủ yếu trong mùa đông, hoặc lúc giao mùa xuân hè. Các trường hợp tử vong do hô hấp liên quan đến cúm ước tính chiếm khoảng 2% số ca tử vong do hô hấp hằng năm trên toàn cầu. Nên tiêm phòng cúm ít nhất một năm một lần. Trường hợp có triệu chứng cúm, hoặc đang có bệnh cấp tính khác nên điều trị ổn định, rồi sau đó tiêm vắc xin phòng cúm.
Các bệnh do phế cầu (S.pneumoniae) gồm viêm họng, viêm phế quản cấp, viêm phổi, áp-xe phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản đợt bội nhiễm…. Người bị bệnh giãn phế quản nên tiêm vắc xin phòng phế cầu để giảm nguy cơ bị nhiễm loại vi khuẩn này làm nặng thêm tình trạng giãn phế quản.
Vắc xin phòng Covid – 19 được khuyến cáo tiêm phòng ở người lớn tuổi và những người mắc bệnh lý nền như bệnh giãn phế quản. Người bệnh cần theo dõi thông tin về tiêm phòng Covid – 19 tại địa phương để được tiêm phòng đúng lịch.
Những dấu hiệu nào chứng tỏ đang có đợt bội nhiễm?
Đợt bội nhiễm của bệnh giãn phế quản có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: áp xe phổi, mủ màng phổi, mủ phế quản, viêm phổi… gây khó thở, ho ra máu nặng, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do vậy người bệnh cần chú ý các dấu hiệu thể hiện tình trạng nhiễm trùng để kịp thời đi khám và được điều trị:
- Ho, khạc đờm mủ tăng hơn so với thông thường, đờm đục, màu xanh hoặc màu vàng, một số trường hợp có ho đờm lẫn máu.
- Khó thở, có tiếng thở rít: là biểu hiện của suy hô hấp do tổn thương lan toả hai phổi; có thể có tím.
- Sốt: thường kèm theo khạc đờm tăng và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm.
- Đau ngực: là dấu hiệu của nhiễm khuẩn phổi ở vùng gần màng phổi hoặc túi phế quản giãn căng.
Hội chứng xoang phế quản là gì? Có thường gặp không? Điều trị có khó không?
Hội chứng xoang phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp trên và dưới, bao gồm: viêm mũi xoang mạn tính và viêm toàn tiểu phế quản lan tỏa, giãn phế quản. Bệnh thường gặp ở các nước Đông Á. Lứa tuổi hay gặp: 20 đến 50 tuổi.
Người bị hội chứng xoang phế quản có triệu chứng kết hợp của bệnh lý giãn phế quản đi kèm với viêm mũi xoang mạn tính. Các triệu chứng của viêm mũi xoang thường xuất hiện vài năm trước khi có các biểu hiện của giãn phế quản. Để chẩn đoán hội chứng xoang phế quản, bên cạnh các phương pháp để chẩn đoán giãn phế quản, người bệnh cần được chụp CT xoang (tổn thương: mờ đục các xoang, dày niêm mạc xoang, ứ dịch trong xoang…) và nội soi tai mũi họng (có dịch nhầy mủ, niêm mạc phù nề, cuốn mũi giữa quá phát…).
Điều trị hội chứng xoang phế quản bao gồm điều trị giãn phế quản, viêm mũi xoang và sử dụng thuốc erythromycin kéo dài 6 tháng đến 24 tháng (có thể lâu hơn tùy trường hợp), thuốc có vai trò chống viêm, giảm tiết nhầy và điều hòa miễn dịch.
Điều trị giãn phế quản: Tổn thương trong giãn phế quản là không thể hồi phục được, vì vậy mục tiêu điều trị nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Các biện pháp điều trị chung:
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục; đảm bảo lượng năng lượng đầy đủ.
Nếu bệnh nhân hút thuốc cần phải dừng lại ngay và hỗ trợ các biện pháp cai thuốc lá. Hút thuốc thụ động cũng nên tránh.
Tiêm phòng cúm và phế cầu khuẩn theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa hô hấp.
Dẫn lưu đờm và phục hồi chức năng hô hấp:
Khám bác sỹ chuyên khoa Hô hấp để được hướng dẫn cách ho khạc đờm và vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu theo tư thế. Tuỳ theo vị trí tổn thương chọn tư thế thích hợp, thường cần để bệnh nhân nằm đầu dốc, sao cho đờm, mủ từ phế quản thoát ra ngoài dễ dàng.
Kết hợp vỗ rung, lắc lồng ngực. Mỗi ngày nên làm 2-3 lần, thời gian mỗi lần tăng dần, 5-10-20 phút, làm trước bữa ăn.
Đây là phương pháp dẫn lưu đơn giản có kết quả tốt và BN cần làm thường xuyên hàng ngày kể cả khi không có bội nhiễm phế quản.
Điều trị kháng sinh trong đợt cấp bội nhiễm: cần theo hướng dẫn của bác sỹ.
Phẫu thuật: chỉ định cắt phân thuỳ, thuỳ hoặc cả bên phổi cho những trường hợp giãn phế quản khu trú; giãn phế quản có ho máu nặng hoặc ho máu tái phát.
Nút động mạch phế quản: Chụp động mạch phế quản ở bệnh nhân ho máu nặng, ho máu dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Gây bít tắc động mạch phế quản nếu thấy hình ảnh búi phình, thông động mạch.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp - Bộ y tế - 2012.
2. http://www.lung.org/lung-health-and-diseases/lung-disease-lookup/
bronchiectasis/learn-about-bronchiectasis.html
3. www.blf.org.uk/support-for-you/bronchiectasis
4. https://lungfoundation.com.au/health-professionals/conditions/bronchiectasis/